Site stats Sốt xuất huyết có thể bùng phát diện rộng, chuyên gia đặc biệt lưu ý 6 dấu hiệu quan trọng! – Limelight Media

Sốt xuất huyết có thể bùng phát diện rộng, chuyên gia đặc biệt lưu ý 6 dấu hiệu quan trọng!

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng tại một số tỉnh thành Việt Nam, trong đó, các ca biến chứng nặng, thậm chí tử vong, tăng nhanh. Các chuyên gia y tế đặc biệt lưu ý, người dân khi có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi phải đến ngay cơ quan y tế để thăm khám, tránh việc tự theo dõi và điều trị tại nhà khiến bệnh trở nặng

Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 7/2022, cả nước đã ghi nhận 92.000 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 36 ca tử vong. 

Tại Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, số ca sốt xuất huyết đã tăng gấp 22,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành y tế tỉnh Bình Dương cũng cảnh báo tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên địa bàn với số ca nặng và tử vong tăng cao. Tính đến đầu tháng 7/2022, Bình Dương ghi nhận 7.282 ca nhiễm, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong báo cáo mới nhất đến ngày 10/7/2022, TPHCM đã phát hiện 24.941 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 216% với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ ca nặng là 1,4%.  Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 12 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Riêng tại Hà Nội, số ca số xuất huyết giảm 41 ca so với năm trước, tổng trường hợp ghi nhận mắc sốt xuất huyết đến thời điểm hiện tại là 254 ca. 

Theo các chuyên gia y tế, dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tập trung tại một số tỉnh, thành miền Trung và khu vực miền Nam. 

6 dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, trong đợt dịch sốt xuất huyết này, số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trái ngược với tình hình năm trước. Việc kịp thời chẩn đoán sốt xuất huyết sớm có vai trò qua trọng trong việc điều trị bệnh. Đặc biệt, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho hay, không phải ca sốt xuất huyết nào cũng có dấu hiệu phát ban nên khi có 6 dấu hiệu sau đây, người bệnh phải được đưa ngay đến cơ sở y tế: 

  • Khó thở
  • Lơ mơ, co giật hoặc rối loạn ý thức
  • Xanh tím, chân tay lạnh ẩm
  • Có các chấm hoặc đốm đỏ trên da; nôn ra máu hoặc chảy máu mũi, lợi; đi ngoài phân đen; chảy máu âm đạo hoặc kinh nguyệt ra nhiều.  
  • Nôn liên tục
  • Đau bụng dữ dội

Đáng chú ý, với bệnh sốt xuất huyết, ngày thứ 4 – 5 tính từ ngày người bệnh phát sốt là giai đoạn nguy hiểm nhất. Riêng với trẻ em, khi có các dấu hiệu như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam hoặc chảy máu răng, nôn ói ra máu, bỏ ăn, bỏ bú, đau bụng, đi ngoài phân đen, phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay. Đây là những dấu hiệu thường xảy ra ở ngày thứ 4 – 5 của bệnh. Lúc này, trẻ đã hết sốt nhưng vẫn đang ở giai đoạn cao điểm bệnh, thường bị cha mẹ chủ quan, lơ là. 

Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hoàng Vũ, Khoa nhiễm C – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, người bệnh sốt xuất huyết thường có các triệu chứng sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường bị lầm tưởng là cảm sốt thông thường, khiến người dân có tâm lý chủ quan, tự ý mua thuốc hạ sốt uống và theo dõi tại nhà. Khi bệnh đến giai đoạn nổi ban, nổi chấm đỏ mới nhập viện, tình trạng đã trở nặng và khó khăn hơn trong việc điều trị. 

Chế độ dinh dưỡng 

Khi bị sốt cao và mệt mỏi, người bệnh sốt xuất huyết thường có cảm giác chán ăn. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng – bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh nhân sốt xuất huyết cần chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ. 

Điểm quan trọng nhất cần lưu ý là phải bù nước, điện giải cho người bệnh để cải thiện tình trạng cô đặc máu. Ngoài nước điện giải oresol, người bệnh cũng có thể bổ sung các loại nước trái cây và vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Các loại thức ăn lỏng như cháo, soup sẽ giúp người bệnh dễ hấp thu dinh dưỡng trong thời gian bệnh. Đặc biệt, người bệnh sốt xuất huyết nên kiêng các loại thức ăn gây khó tiêu như thức ăn nhiều mỡ béo, thức ăn chiên xào và chua cay. 

Theo bác sĩ Hải, đối với trẻ em, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất trong giai đoạn trẻ ốm bệnh. Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu đạm, kẽm, vitamin A như trứng, thịt bò, thịt gà, trái cây sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng tích cực. Các bậc phụ huynh có thể chia nhỏ lượng thức ăn và nước uống, tránh việc cho trẻ ăn uống dồn dập trong một bữa.

 

Advertisements