Site stats Nga tấn công Ukraine nhưng đã khiến cả thế giới đoàn kết – Limelight Media

Nga tấn công Ukraine nhưng đã khiến cả thế giới đoàn kết

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngày 24/2/2022 đã “châm ngòi” cho làn sóng phản đối chiến tranh trên toàn thế giới. 

Thụy Sĩ ủng hộ Ukraine sau hàng thế kỷ trung lập 

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine ngày càng leo thang, quốc gia trung lập Thụy Sĩ đã tuyên bố sẽ áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, bao gồm phong tỏa tài sản của các cá nhân và trừng phạt các công ty Nga. Quốc gia này cũng cấm nhập cảnh đối với 5 nhà tài phiệt có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Nga. Hành động này của Thụy Sĩ được đánh giá là bất thường bởi quốc gia này đã duy trì sự trung lập trong hàng thế kỷ. 

Phần Lan ra quyết định lịch sử về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine 

Là thành viên của liên minh Châu Âu (EU) nhưng không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Phần Lan vốn là một quốc gia trung lập. Tuy vậy, vào ngày 28/2/2022, Phần Lan đã quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm bệ phóng tên lửa, súng trường, đạn dược và khẩu phần lương thực cho binh sĩ. Quyết định này được xem là quyết định lịch sử của đất nước trung lập này nhằm ủng hộ đất nước Ukraine tự vệ. 

Đài Loan ủng hộ Ukraine 27 tấn vật tư y tế 

Ngay sau khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine diễn ra, chính quyền Đài Loan đã tuyên bố sẽ cùng với các nước dân chủ trừng phạt Nga bởi Đài Loan ủng hộ sự tự do, dân chủ, chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài. Vào ngày 28/2/2022, Đài Loan đã ủng hộ Ukraine 27 tấn vật tư y tế theo thông báo của Bộ Ngoại giao quốc gia này. 

Thụy Điển ủng hộ thiết bị y tế cho Ukraine

Ngày 2/3/2022, Thụy Điển đã gửi các thiết bị y tế đến Ukraine. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Thụy Điển Lena Hallengren, gói hỗ trợ y tế sẽ bao gồm khoảng 1 triệu khẩu trang, chất khử trùng và hệ thống máy thở. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng quyết định sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí chống tăng. Quyết định này gây bất ngờ bởi Thụy Điển không cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang xung đột kể từ năm 1939. 

Đan Mạch cho phép tình nguyện viên tham gia quân đoàn nước ngoài ở Ukraine

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine về việc thành lập quân đoàn nước ngoài dành cho những tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ đất nước Ukraine, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên cho phép công dân của mình tham gia quân đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó, các quốc gia như Anh, Canada cũng cho phép công dân tham gia tình nguyện tại Ukraine. 

Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT

Loại bỏ một quốc gia khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là một quyết định thận trọng bởi đây là một biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm trọng, khiến quốc gia bị trừng phạt không thể tiếp cận được với thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, trước hành động “leo thang” của Nga ở Ukraine, Mỹ và EU đã thống nhất loại bỏ Nga khỏi hệ thống này vào cuối 2/2022. 

Ukraine đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền số lên tới 22 triệu USD

Tính đến thời điểm 2/3/2022, hai ví điện tử của Chính phủ Ukraine và các ví điện tử của các tổ chức phi chính phủ ủng hộ quân đội Ukraine đã tiếp nhận tổng cộng 22 triệu USD ủng hộ bằng tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum và Tether ). 

Các nước Châu Âu hỗ trợ người Ukraine di tản 

Tình hình chiến sự căng thẳng đã khiến hàng trăm ngàn người Ukraine phải di tản khỏi đất nước. Các nước Châu Âu láng giềng như Ba Lan, Séc, Hungary, Romani, Moldova, v.v. đều mở cửa biên giới, sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ người Ukraine di tản. Tại Ba Lan, quốc gia láng giềng chung đường biên giới  lên tới 500km với Ukraine, các tình nguyện viên Ba Lan đã phát miễn phí đồ ăn, thức uống, quần áo, thuốc men và các trợ giúp về y tế và tâm lý cho người Ukraine tại các điểm đón tiếp. Các quy định về kiểm dịch cũng được dỡ bỏ để đảm bảo thuận lợi cho người di tản. 

Châu Âu hỗ trợ người Ukraine tị nạn tối đa 3 năm

EU đã tuyên bố các nước thành viên sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine đối đa lên tới 3 năm mà không yêu cầu họ phải nộp đơn xin tị nạn lần đầu. Những người tị nạn từ Ukraine sẽ được cấp giấy phép lưu trú, tiếp cận thị trường lao động và hệ thống phúc lợi tại các nước EU. 

Đức đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine ngày càng căng thẳng, Đức đã đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, giúp Châu Âu giảm sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, một trong những vũ khí mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công Ukraine nhằm đối phó với Châu Âu. 

Nhật Bản áp dụng lệnh trừng phạt Nga

Nhật Bản tuyên bố sẽ ngừng cấp visa và phong tỏa tài sản của các quan chức chính phủ hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk. Nước này cũng chấm dứt các hoạt động giao dịch với hai vùng ly khai và ngừng các hoạt động giao dịch với trái phiếu chính phủ Nga. Trước khi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine diễn ra, Nhật Bản cũng từng tuyên bố sẽ ủng hộ Mỹ phản ứng nếu Nga tấn công Ukraine. 

Biểu tình khắp thế giới phản đối chiến tranh tại Ukraine 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các cuộc biểu tình chống chiến tranh đã diễn ra ở các thành phố lớn như Tokyo (Nhật Bản), Warszawa  (Ba Lan), Praha (CH Séc), Paris (Pháp), Berlin (Đức), London (Anh), Chicago, New York (Mỹ), v.v. Ngay tại thủ đô Moscow và các thành phố của Nga như St Peterburg, các cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Ukraine cũng diễn ra, trong đó hàng ngàn người biểu tình ở Nga đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Các công ty đa quốc gia và các tổ chức quốc tế rút khỏi Nga

Các công ty đa quốc gia như BP, Rolls -Roys, Delta Airlines, Dell Technologies, Intel, v.v. đã thoái vốn và rút khỏi Nga. Các công ty đa quốc gia khác như Volkswagen, GM, Volvo, Toyota, v.v. đã ngừng xuất khẩu sản phẩm sang Nga. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế như Giải đua Công thức 1, UEFA, Eurovision, v.v. đã không tiếp tục các hoạt động của họ tại Nga. 

EU, Anh, Mỹ, Canada cấm không phận với Nga

27 nước Châu Âu, Anh, Mỹ, Canada đã cấm máy bay Nga bay vào không phận của họ. Lệnh cấm áp dụng cho tất cả các loại máy bay kể cả máy bay riêng của các tỷ phú Nga. 

Mạng xã hội và hackers lên tiếng chống chiến tranh

Trong khi Facebook, Tiktok cấm truyền thông Nga ở Châu Âu, Google đã tắt tính năng theo dõi giao thông theo thời gian thực tế ở Ukraine để bảo vệ người dân Ukraine và làm cho lực lượng Nga gặp khó khăn khi tiến vào Ukraine. 

Tổ chức hacker nổi tiếng thế giới Anonymous đã tuyên chiến chống lại chính phủ Nga. Tổ chức này đã tấn công các website chính phủ, kênh truyền hình Nga và website của các hãng lớn tại Nga như Izvestia, hãng tin TASS và tờ báo Kommersant. 

Advertisements