Site stats Món bánh mì nổi tiếng Đài Loan nhưng lại có tên rất rùng rợn, nghe qua bạn có “chạy mất dép”? – Limelight Media

Món bánh mì nổi tiếng Đài Loan nhưng lại có tên rất rùng rợn, nghe qua bạn có “chạy mất dép”?

Nguồn gốc lạ kỳ của món bánh mì quan tài

Món ăn mà chúng tôi nhắc đến là coffin board, hay còn gọi là guan chai bun (棺材板), có nghĩa là “bánh quan tài”. Những người lần đầu tiên nghe đến cái tên khác thường của loại bánh mỳ này hẳn sẽ cảm thấy rùng mình. Tuy nhiên, đây lại là một món ăn nhẹ phổ biến và vô cùng nổi tiếng ở Đài Loan. Bánh mì quan tài bao gồm một phiến bánh mì trắng dày được khoét rỗng ruột, sau đó được nướng hoặc chiên thành một chiếc hộp nhỏ giòn. Bên trong “quan tài” thường được phủ đầy phần nhân đặc quánh. 

Bánh mì nướng quan tài được phát minh bởi ông Xu Liuyi vào những năm 1940 tại một khu chợ tên là “Shakaliba” (tạm dịch: trung tâm giải trí) ở Đài Nam. Ở thời điểm này, gan gà được xem là nguyên liệu hàng đầu nên Xu Liuyi đã sử dụng nó làm nhân bánh và đặt tên món ăn là bánh gan gà. 

Một ngày nọ, một nhóm khảo cổ từ Đại học Quốc gia Đài Loan đã đến quán ăn này để nếm thử món bánh gan gà. Sau bữa tối, trong khi nhóm khảo cổ đang trò chuyện với ông Xu Liuyi thì một vị giáo sư bất ngờ thốt lên: “Hình dáng của chiếc bánh gan gà này rất giống với chiếc quan tài bằng đá mà chúng ta đang khai quật!”. Vốn là người có tính cách hài hước nên sau khi nghe điều này, ông Xu Liuyi đã vui vẻ trả lời: “Vậy thì đĩa bánh gan gà của tôi từ nay sẽ được đặt tên là bánh quan tài!”. Từ đó, cái tên này chính thức được sử dụng. 

Dù có cái tên đáng sợ nhưng trong quan điểm của người xưa, quan tài gắn liền với điềm lành, có ngụ ý “thăng tiến và giàu có” nên bánh quan tài đã ngay lập tức gây sốt. Ngày nay, món bánh quan tài đã trở thành một trong những món ăn vặt nổi tiếng ở các chợ đêm khắp Đài Loan. 

Công thức làm bánh mì quan tài tại nhà

Phiên bản đầu tiên của bánh mì quan tài có nhân bên trong là sốt gan gà. Tuy nhiên, ngày nay, nhân bánh được biến tấu thành nhiều loại khác nhau như sốt kem béo ngậy với thịt gà, hải sản, lòng hoặc có cả nhân dành cho người ăn chay là sốt kem với nấm hầm rau củ. 

Để thưởng thức món ăn độc lạ này tại nhà, đầu tiên, bạn hãy chuẩn bị một chiếc bánh mì dày khoảng 9-10 cm. Tiếp đó, bạn hãy cắt phần cạnh trên bánh mì để làm nắp “quan tài” và dùng dao khoét rỗng, giữ các cạnh bên dày khoảng 1,5-2 cm, phần đáy có thể dày hơn một chút. Theo kinh nghiệm của các đầu bếp chuyên nghiệp, tốt hơn hết bạn nên cắt sẵn ổ bánh mì trước 1 hoặc 2 ngày bởi những chiếc bánh mì hơi “cũ” sẽ khô hơn và dễ dàng đạt được lớp vỏ giòn khi chiên. Để chiên bánh mì, bạn cần chuẩn bị một cái chảo chống dính nhỏ, đổ dầu ngập đáy bánh mì khoảng 3-4 cm và trở đều các mặt cho vàng giòn. Bạn cũng có thể quết bánh mì với bơ và sử dụng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng bánh mì để tạo nên lớp vỏ ngoài giòn thơm. 

Về phần nhân bánh mì, bạn có thể biến tấu tùy theo sở thích của mình. Bạn có thể chọn các loại thịt khác nhau như tôm, mực, thịt gà, thịt lợn, giăm bông, thịt xông khói, cá ngừ đóng hộp. Sau đó, bạn chọn một vài loại rau củ yêu thích để giúp phần nhân đỡ ngấy, như nấm tươi, cà rốt, ngô, đậu xanh, hành tây. Hãy chế biến phần nguyên liệu này với bơ và sốt kem để tạo ra hỗn hợp nhân béo ngậy, thơm ngon. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo ra phiên bản nhân ngọt ngào của bánh mì quan tài bằng cách sử dụng hỗn hợp nhiều loại trái cây như chuối tươi, xoài hoặc dâu tây. 

Sau khi đã có lớp “quan tài” chiên giòn và hoàn thành phần nhân, phần việc còn lại của bạn đổ nhân vào ruột bánh, trang trí và thưởng thức chiếc bánh độc đáo! Đây chắc hẳn sẽ là một gợi ý hay về món bánh tráng miệng để bạn trải nghiệm cùng bạn bè những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết. 

Advertisements