Site stats Chiến tranh Nga – Ukraina và những tác động đến nền kinh tế thế giới – Limelight Media

Chiến tranh Nga – Ukraina và những tác động đến nền kinh tế thế giới

Sau hơn một tháng kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga bắt đầu, xung đột Nga – Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh sự tàn phá nghiêm trọng của cuộc chiến tranh đối với 2 quốc gia, cuộc chiến tranh này còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. 

Giá dầu tăng vọt

Theo thống kê, nguồn cung dầu của Nga chiếm 11% tổng nguồn cung dầu toàn thế giới. Riêng với châu Âu, sản lượng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga lần lượt là 25% và 40%. Vì vậy, khi cuộc chiến tranh nổ ra và nhiều lệnh trừng phạt lên chính quyền Putin được áp dụng trong đó có lệnh cấm trên toàn liên minh châu Âu đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga với hiệu lực ngay lập tức đã gây ra khủng hoảng năng lượng thế giới. Khi nguồn cung dầu khí của Nga vẫn chưa thể được thay thế hoàn toàn, các quốc gia châu Âu sẽ đối mặt với gánh nặng giá năng lượng tăng cao, gây tổn hại trực tiếp cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. 

Theo thống kê, ngay khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina vào ngày 24/2/2022, giá dầu đã tăng với tốc độ chưa từng có. Giá dầu Brent đã bất ngờ tăng vọt lên gần 140 USD/thùng, chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Riêng về khí đốt, giá mặt hàng này đã tăng 20% ngay sau khi xung đột nổ ra. Sau hơn 1 tháng chiến sự, sức tăng đối với dầu và khí đốt đã giảm nhiệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với mức giá năng lượng hồi đầu năm. 

Bất ổn an ninh lương thực

Nga và Ukaraina đang đóng góp gần 30% sản lượng lúa mì, 80% sản lượng dầu hướng dương và 19% sản lượng ngô xuất khẩu toàn cầu. Xung đột giữa hai bên và các lệnh trừng phạt ở thời điểm hiện tại sẽ gây ra những đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh lương thực thế giới, điển hình là tại các quốc gia nghèo do gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực ở hai nước tham chiến. Ngoài EU, nhiều quốc gia tại châu Phi, Trung Đông và Trung Quốc cũng đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn lúa mì và ngô từ Ukraina. Ngoài ra, việc bờ biển Đen bị phong tỏa và gây ra gián đoạn cho các tuyến đường thương mại cũng sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu. 

Chuỗi cung ứng toàn cầu hỗn loạn

Bên cạnh năng lượng và ngũ cốc, Nga và Ukraina cũng là những nhà cung cấp titan, palađi, kẽm, nhôm, than đá, đồng, thiếc, niken, v.v. chính trên thị trường thế giới. Sự gián đoạn nguồn cung chủ chốt đối với các mặt hàng này sẽ là áp lực nặng nề đối với các nhà sản xuất máy bay, ô tô, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử đa quốc gia. 

Ngoài ra, chuỗi cung ứng và hoạt động du lịch toàn cầu đã và sẽ tiếp tục hỗn loạn do các tuyến đường bộ qua 2 quốc gia bị gián đoạn, các tuyến hàng không quốc tế bị hạn chế do lệnh cấm không phận nhằm trừng phạt Nga của nhiều nước và đáp trả của Putin, tuyến vận tải đường biển qua Biển Đen bị hủy bỏ và làn sóng di cư phức tạp của người dân vùng chiến sự. 

Trước việc Nga bị giáng đòn trừng phạt liên tiếp và loạt phản ứng đáp trả không khoan nhượng từ Tổng thống Nga, các quốc gia hoặc công ty – tập đoàn đa quốc gia sẽ phải vật lộn để điều chỉnh các kênh tài chính nếu muốn tiếp tục giao dịch thương mại với Nga. Còn với các quốc gia láng giềng của Ukraina, hoạt động thương mại và kiều hối sẽ đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề. 

Lạm phát toàn cầu tăng, đe dọa đà hồi phục kinh tế sau đại dịch

Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, giá các hàng hóa đầu vào (năng lượng) tăng đột biến sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022 và có thể kéo dài đến năm 2023 do “chi phí đẩy”. Cơ quan nghiên cứu EIU dự báo, lạm phát toàn cầu trong năm nay có thể sẽ tăng trên 6%. 

Bên cạnh đó, giá lương thực tăng do bất ổn về an ninh lương thực, các khoản chi quốc phòng khổng lồ dẫn đến “cầu kéo” ở lĩnh vực quốc phòng và các khoản hỗ trợ nhân đạo với lượng tiền lớn bơm vào nền kinh tế cũng góp phần vào tình hình tăng giá cả nói chung ở Châu Âu. 

Về “cầu kéo” trong lĩnh vực quốc phòng, do tình hình chiến sự phức tạp, NATO đã có kế hoạch chi tiêu quân sự nhiều hơn. Hàng loạt quốc gia phương Tây đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng sau khi Nga-Ukraina nổ ra chiến sự. Điển hình như Đức sẽ đầu tư 115 tỷ USD ngay vào vũ khí và các hoạt động quân sự, vượt hơn mức mục tiêu NATO đưa ra là 2% GPP. Trong khi đó, Romania cũng tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 2,5% GDP. Các quốc gia như Ba Lan, Latvia, Italia, Thụy Điển, Phần Lan, v.v. cũng có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng sau động thái quân sự của Nga.

Trong khi các quốc gia vẫn đang chật vật thoát khỏi suy thoái sau 2 năm đại dịch Covid-19, sự gia tăng lạm phát sẽ càng cản trở đà phục hồi, có thể gây ra tình trạng đói nghèo và ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Riêng với 2 quốc gia chiến sự, nhiều dự báo cho rằng, kinh tế Nga có thể bị suy giảm gần 10% hàng năm, trong khi Ukraina sẽ đối mặt với thiệt hại gần 120 tỷ USD. 

Advertisements