Bạn đã từng đọc nhiều lời khuyên về tiết kiệm và hầu như mọi lời khuyên đều hướng bạn đến một con số mục tiêu cố định để tiết kiệm trong một khoảng thời gian, ví dụ như 200 triệu đồng trong 1 năm, 10 triệu trong 1 tháng, hoặc trích 30% thu nhập của bạn vào tiền tiết kiệm? Tuy vậy, Shark Linh lại đưa ra những bí quyết cực kỳ khác biệt và đặc biệt hữu ích với những người có thói quen tiêu xài hoang phí.
Điểm cốt lõi để tiết kiệm hiệu quả: Hình thành “cơ bắp” tiết kiệm
Việc lập ngân sách và bám sát nó sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu tài chính. Tuy nhiên, theo Shark Linh, trong vấn đề tiết kiệm, đó chưa phải là “chìa khóa” quan trọng nhất. “Cơ bắp” tiết kiệm được coi là điểm mấu chốt giúp bạn thành công trong việc xây dựng kế hoạch tiết kiệm. Cụ thể, hãy xem việc tiết kiệm như một phần cơ bắp cần được luyện tập bởi tương tự như cơ thể cần được tập thể dục thường xuyên để có một sức khỏe ổn định. Sức khỏe tài chính cũng không thể thay đổi trong một sớm một chiều và vì vậy, để có được “cơ bắp” tài chính, cần có sự cam kết và kiên trì.
Theo Shark Linh, không cần quá khắt khe với việc có nhiều hay ít tiền tiết kiệm, bạn chỉ cần duy trì hành vi tiết kiệm thường xuyên, dù đó chỉ là một phần nhỏ của thu nhập. Ví dụ, bạn có thể tiết kiệm 100 ngàn đồng, 1 triệu đồng, 2 triệu đồn, v.v. mỗi tháng, tùy vào mức thu nhâp của bạn và không cần lo sợ số tiền đó nhỏ hay lớn. Dần dần, hành vi tiết kiệm đều đặn và nhất quán của bạn sẽ giúp bạn xây dựng được sức khỏe tài chính bền vững và lâu dài.
Thử thách thú vị để tiết kiệm nhiều hơn: Tiết kiệm tịnh tiến theo tuần
Giống như bất kỳ thử thách thể chất nào, việc nỗ lực vượt qua các chướng ngại vật với độ khó tăng dần sẽ khiến người chơi tập trung tinh thần để đạt được mục tiêu của mình và cảm thấy thỏa mãn khi chạm tới vạch đích. Sau khi thực hiện các cam kết nhỏ trong việc thực hành tiết kiệm, theo thời gian, bạn sẽ có thể đảm nhận những nhiệm vụ lớn hơn.
Theo Shark Linh, bạn có thể thử thách bản thân bằng việc tiết kiệm với mốc thời gian là theo tuần và số tiền tăng dần. Shark Linh tiết lộ: “Thử thách 52 tuần có thể giúp các bạn giảm bớt thói quen mua sắm và tiết kiệm được nhiều hơn. Với cách này, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm hàng tuần, mỗi tuần tăng thêm 10 ngàn đồng”. Theo gợi ý của Shark Linh, tuần đầu tiên, bạn tiết kiệm 10 ngàn đồng. Tuần thứ 2, bạn tiết kiệm 20 ngàn đồng. Cứ như thế, đến tuần thứ 52, bạn tiết kiệm 520 ngàn đồng. Tùy vào ngân sách và độ “lì đòn”, bạn có thể tự thiết kế thử thách tiết kiệm dành cho riêng mình. Tròn 1 năm sau thử thách, số tiền mà bạn dành dụm được sẽ là một con số khiến bạn bất ngờ.
“Tiêu diệt” điểm yếu của những người tiêu hoang: Tiết kiệm tiền lẻ
Nhiều người nghĩ rằng việc tiết kiệm những đồng tiền lẻ là chuyện nực cười, bởi những đồng tiền lẻ vốn chỉ như những hạt cát nhỏ bé nơi sa mạc. Tuy nhiên, hãy cùng suy xét đến 2 lợi ích thiết thực từ việc tiết kiệm tiền lẻ.
Thứ nhất, những đồng tiền lẻ 5 ngàn đồng, 10 ngàn đồng có lẽ chỉ bằng một lần gửi xe hoặc một bữa xôi sáng. Tuy nhiên, việc tích cóp những đồng tiền lẻ mỗi ngày liên tục sẽ có thể giúp bạn tích lũy được số tiền khá lớn sau một thời gian dài.
Thứ hai, việc tiết kiệm tiền lẻ cũng giúp bạn hạn chế chi tiêu lặt vặt, giúp bạn rèn luyện được ý chí chống lại việc chi tiêu không cần thiết – một “thói hư” khiến nhiều người thường “lủng túi” ngay từ đầu tháng. “Khi đi mua đồ dùng, nếu được trả lại những đồng tiền lẻ mệnh giá dưới 20.000 đồng thì bạn có thể bỏ chúng vào một cái hộp. Tới cuối tháng, bạn tổng kết số tiền này lại và mang gửi ngân hàng. Số tiền này có thể chỉ vài trăm ngàn đồng thôi, nhưng Linh nghĩ đó sẽ là một cách hay để mình không xài tiền linh tinh. Vì nếu không tích cóp tiền lẻ, nếu bạn cứ để nó trong ví, kiểu gì bạn cũng xài tới nó thôi” – Shark Linh cho hay. Chính những nỗ lực nhỏ bé này có thể giúp những người thường có thói quen chi tiêu hoang phí kìm hãm ý định mua sắm và hướng tới thói quen tiết kiệm để xây dựng sức khỏe tài chính bền vững.