Site stats Những thông tin thú vị về ông Huỳnh Uy Dũng – Limelight Media

Những thông tin thú vị về ông Huỳnh Uy Dũng

Từng bán muối, mua heo khi còn làm hậu cần

Trước khi chính thức bước vào con đường kinh doanh, ông Dũng từng phục vụ công tác hậu cầu ở Quân khu 7. Có lần, ông được phân công chở heo đi tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường nhưng không may, sau quá trình vận chuyển dài hàng trăm cây số, đàn heo chết hàng loạt khi vừa đến nơi. 

Cùng lúc đó, mặt trận biên giới Tây Nam – Campuchia đang có tình trạng khan hiếm muối. Từ đây, cái khó ló cái khôn. Thay vì vận chuyển heo gian truân đường dài với nhiều rủi ro, ông chở muối đi bán, rồi lấy tiền mua heo tại chỗ để phục vụ bữa ăn cho anh em chiến sĩ. Những chuyến hàng sau, nhờ cách bán muối, mua heo khôn ngoan này, ông đỡ nhọc công trong việc vận chuyển, lại có thể giúp các chiến sĩ đảm bảo sức khỏe chiến đấu với các bữa thịt tươi ngon. 

Khởi nghiệp với nghề quét vôi và được gọi là Dũng “lò vôi”

Ông Dũng tên thật là Huỳnh Phi Dũng nhưng vị chủ tịch khu du lịch Đại Nam lại được biết đến qua nhiều cái tên hay biệt danh khác. 

Khoảng thập kỷ 80, sau khi rời bỏ công việc hậu cần, ông khởi nghiệp với nghề làm lò vôi, sản xuất vôi quét tường, vôi bột công nghiệp tại Sông Bé (Bình Dương ngày nay). Máu kinh doanh đã manh nha từ trước nên quá trình khởi nghiệp với công việc mới không làm khó được ông Dũng. Cũng từ đây, người dân thường gọi ông với biệt danh dung dị là Dũng “lò vôi”. 

Sau đó, ông Dũng được mời về làm giám đốc công ty sơn mài Thành Lễ. Trước khi tiếp nhận công ty, ông Dũng bán lò vôi, đồng thời tự đặt điều kiện nếu làm ăn thua lỗ sẽ bỏ tiền túi để bồi thường. Ngược lại, nếu có lời, công ty phải trích cho ông 10% lợi nhuận. Nhờ sự quyết đoán, nhanh nhạy, trong năm đầu tiên, ông Dũng đã đưa Thành Lễ từ chỗ thua lỗ nặng trở thành công ty với mức lợi nhuận vượt xa mong đợi là 28,8 tỷ đồng. Cái tên Dũng Thành Lễ cũng ra đời sau sự kiện này. 

Sau khi ly hôn vợ đầu, ông Dũng đổi tên đệm từ Phi thành Uy với mong muốn cuộc đời bớt gian truân, khổ ải bởi “Uy ở đây là chữ thần uy, nghiêm nghị”. Ông cũng tâm niệm, “từ bi không có nghĩa là cái gì cũng bỏ qua, ai làm sao nói sao cũng được”. Vì vậy, ông cân nhắc “phải có uy, có thần, có đầy đủ phẩm chất, phương tiện để trừng trị cái ác” như một cách để hành thiện. 

Nhiều lần bị gọi là kẻ hâm, kẻ khùng

Là người có tư duy kinh doanh đi trước thời đại nên không ít lần, ông Dũng bị giới đầu tư mỉa mai là kẻ “khùng”. Những năm đầu thập kỷ 90, ông trở thành người tiên phong rót vốn vào khu công nghiệp Bình Đường (Bình Dương) – khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, ông Dũng lại tiếp tục đầu tư vào khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3. 

Sau các quyết định bị cho là “hâm” này, tháng 9/2007, ông Dũng bắt tay xây dựng Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Thời điểm đó, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang sơ với rừng cao su bạt ngàn. Trước khi “phù phép” Đại Nam trở thành khu du lịch nổi tiếng bật nhất phía Nam và khiến mọi người khâm phục mình, ông Dũng đã bị ném đá với “ước mơ ngu xuẩn” khi huy động 2000 nhân công xây dựng và bỏ ra số tiền đầu tư khủng 5000 tỷ đồng cho Đại Nam. 

Doanh nhân nhiều thị phi nhất làng CEO Việt

Song song với các quyết định táo bạo bậc nhất trong việc kinh doanh, ông Dũng “lò vôi” cũng thường xuất hiện trên mặt báo bởi hàng loạt thị phi khác. 

Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất là khi ông khởi kiện ông Lê Thanh Cung, cựu Chủ tịch UBND Bình Dương. Ông Dũng cho rằng, người đứng đầu đơn vị đã chậm thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết của khu công nghiệp Sóng Thần 3 trong năm 2013. 

Vụ kiện từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực song đây chưa phải là lùm xùm lớn nhất gắn với tên tuổi ông. Năm 2010, sau đám cưới rình rang với vợ hai là bà Nguyễn Phương Hằng, hàng loạt thị phi mới bắt đầu ồ ạt tìm tới vợ chồng ông. 

Trái ngược với người vợ đầu kín tiếng, người vợ hai của ông Dũng thường thích chưng diện, gây chú ý khi xuất hiện trước truyền thông. Năm 2013, dư luận xuất hiện tin đồn ông Dũng bị tâm thần và bà Nguyễn Phương Hằng cũng đem tài sản của của chồng đi thế chấp ngân hàng cho khoản vay tới 2.000 tỷ đồng. Để dập tắt dư luận, ông từng treo thưởng 100 tỷ đồng cho ai chứng minh được việc vay nợ của vợ ông.

Năm 2021, vợ chồng ông Dũng “lò vôi” lại một lần nữa khuấy động mạng xã hội với vụ kiện “thần y” Võ Hoàng Yên. Cũng trong thời gian này, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục nổi lên như “ngôi sao mạng” khi thường xuyên livestream, có những phát ngôn chấn động showbiz và bị bắt sau đó. Tên tuổi ông Dũng cũng bị ảnh hưởng bởi ông cũng từng một số lần tham gia cùng vợ livestream và được cho là dung túng cho hành vi ngang ngược của vợ. 

Doanh nhân viết cuốn sách “độc nhất vô nhị”

Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh ngàn tỷ, ông Dũng còn nổi tiếng là người sùng đạo Phật và thường đưa triết lý nhà Phật vào kinh doanh. 

Sau khi chuyển giao sự nghiệp cho vợ và con trai cả quản lý, ông Dũng tập trung vào hoạt động thiện nguyện và dành thời gian nhiều hơn cho niềm đam mê viết sách đã có từ trước. Trong suốt 8 năm không tham gia thương trường, vị doanh nhân sinh năm 1961 viết và xuất bản hơn 20 đầu sách về lịch sử, tâm linh hay luân hồi chuyển kiếp. 

Đặc biệt, ông sở hữu tập “Đại Nam văn hiến sử thi” với 12.344 câu thơ song thất lục bát. Đây là tập sách kể về toàn bộ quá trình dựng nước, giữ nước từ giai đoạn Vua Hùng đến năm 1945 được ông Dũng viết chỉ trong 8 tháng. Đáng chú ý, sách được ông Dũng chắp bút bằng chữ viết tay hoàn toàn. Ngoài ra, ông cũng không tra cứu tư liệu từ internet mà tập trung năng lượng viết bằng chính trí nhớ của mình. 

Advertisements