Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng được xem là một “làn sóng chấn động” đối với chính trị toàn cầu. Khác với mục tiêu muốn làm rung chuyển Washington năm 2016 với vai trò là một doanh nhân, chính sách của tổng thống thứ 47 Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ tiếp tục công việc dang dở ở nhiệm kỳ thứ nhất. Thậm chí, có ý kiến cho rằng sẽ có “một chiến dịch trả thù và trừng phạt rõ ràng” vào tháng 1 tới đây.
Thay đổi đáng chú ý: Điều chỉnh chính sách đối với Ukraine
Việc Mỹ thay đổi cách tiếp cận đối với Ukraine dưới thời chính quyền mới có thể mang lại những thay đổi quan trọng, tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại và giải pháp hòa bình. Dù chính quyền Biden từng đưa ra giới hạn về cách sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ tập trung chấm dứt xung đột ở Ukraine, hứa hẹn “kết thúc chiến tranh trong 24 giờ”.
Những thay đổi này cũng có thể thúc đẩy châu Âu đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh để đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Đây có thể là một cơ hội để toàn cầu nhìn lại và định hình một cách tiếp cận mới, cân bằng giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế trong việc giải quyết xung đột.
Căng thẳng khó lường ở Trung Đông
Đại đa số đều cho rằng chiến thắng của Donald Trump là tin tốt cho Israel, tin xấu cho Palestine và là điềm xấu cho người Iran.
Chính quyền mới của Washington dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran một lần nữa nhằm làm suy yếu năng lực quân sự và hạt nhân của Iran. Trong khi đó, chiến thắng của tân Tổng thống lại khiến Israel cùng một số đối tác của Hoa Kỳ không giấu được sự vui mừng và kỳ vọng vào lợi ích kinh tế với nhà lãnh đạo mới. Quan hệ chiến lược giữa Mỹ với Israel cũng có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và các nhóm đối kháng tại Palestine.
Tuy nhiên, do tân Tổng thống nổi tiếng với sự lập dị khó lường, bất kỳ quốc gia nào đưa ra các thỏa thuận giao dịch tốt nhất liên quan đến lợi ích về vũ khí và kinh tế đều sẽ có thể thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Ngoài ra, để tái áp đặt chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran, Trump cần sự đồng lòng từ cường quốc Trung Quốc – nhưng quan hệ này vốn đã nhạt nhòa từ lâu.
Áp lực mạnh hơn với Trung Quốc
Trong lần trở lại này, tổng thống Donlad Trump có khả năng sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi từng tuyên bố sẽ áp thuế 60%-100% đối với tất cả hàng hóa từ đại lục.
Trong khi quốc gia tỷ dân đang vật lộn để có thể đạt mức tăng trưởng 5%, chính sách này có thể cắt giảm một nửa tăng trưởng của họ. Một nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London dự đoán rằng việc áp thuế mới có thể làm GDP của Trung Quốc giảm 0,68% và Liên minh châu Âu cũng suy giảm 0,11%, đồng thời các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia và Brazil cũng gặp ảnh hưởng.
Ngoài ra, cũng có khả năng Tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế quan lớn đối với các “quốc gia kết nối” của Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam và Mexico. Trong lịch sử, đất nước tỷ dân từng tránh thuế từ chính quyền Biden bằng cách đưa hàng tới Mỹ thông qua các quốc gia này.
Như vậy, chính sách mới có thể sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại và nhanh chóng kéo mối quan hệ Mỹ-Trung đến sự sụp đổ. Trung Quốc cũng đang quan ngại về chính sách này và công bố một “gói kích thích tài chính lớn” trong thời gian gần đây.
Biến Đài Loan trở thành “vũ khí đàm phán” với Tập Cận Bình
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump từng đứng về phía Đài Loan khi ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng cường năng lực phòng thủ nhưng có lẽ quan điểm của nhà lãnh đạo này đã thay đổi theo hướng “giao dịch có lợi”. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Donald Trump từng bày tỏ: “Bạn biết đấy, Đài Loan đã ‘đánh cắp’ ngành kinh doanh chip của chúng ta và họ muốn được bảo vệ”. Rất có thể, ông sẽ gây áp lực nhằm mang về những thỏa thuận có lợi từ Đài Loan trong việc đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở lại Hoa Kỳ.
Ngược lại, Donald Trump cũng có thể biến Đài Loan trở thành “con cờ” trong các tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Trump từng nhấn mạnh rằng nếu chính quyền Tập Cận Bình có hành động chống lại Đài Loan, hàng hóa Trung Quốc sẽ bị áp thuế nặng từ 150% đến 200%. Tuy nhiên, việc này có thể khiến Tổng thống Lại Thanh Đức đau đầu vì các căng thẳng khu vực gia tăng.