Một số loại ung thư có thể phát triển âm thầm trong cơ thể và chỉ khi đến giai đoạn muộn, nó mới được phát hiện, khiến nhiều người bị sốc và không còn nhiều thời gian để điều trị.
“Ung thư thầm lặng” là gì?
Có nhiều loại ung thư có dấu hiệu rõ ràng dù chỉ ở giai đoạn đầu song cũng có một số loại ung thư phát triển rất chậm với kích thước quá nhỏ hoặc không có triệu chứng đặc trưng ban đầu nào và trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân có thể không phát hiện mình đang mắc ung thư. Chỉ khi tình cờ khám sàng lọc định kỳ hoặc khi ung thư đã tiến vào giai đoạn muộn thì “ung thư thầm lặng” mới được phát hiện.
Thực tế, ung thư thầm lặng vẫn có thể có các triệu chứng ban đầu, nhưng chúng rất mơ hồ, dễ dàng bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khoẻ ít nghiêm trọng khác. Chẳng hạn như khi mệt mỏi, chúng ta thường quy chụp dấu hiệu này là kết quả của lối sống bận rộn hoặc khi cơ thể già đi mà không nghĩ đó là dấu hiệu của ung thư khởi phát. Ngoài ra, đa phần các loại ung thư thầm lặng liên quan đến các cơ quan nội tạng và sự thay đổi ở các cơ quan này không thể nhận thấy dễ dàng.
Ung thư buồng trứng
Hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng không có triệu chứng nào cả và nếu có, cơ thể có thể gặp các dấu hiệu như mệt mỏi, bụng to, đau lưng, đau xương chậu, có khí hư âm đạo, gặp vấn đề tiêu hoá, đi tiểu nhiều, thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt và sụt cân. Khi gặp các triệu chứng này, người ta thường chỉ nghĩ mình đang có vấn đề về đường tiêu hóa hoặc chỉ là tình trạng sức khoẻ đang “xuống cấp” do tuổi già. Chỉ khi khối u di căn ra vùng bụng và khung chậu với tình trạng đau trầm trọng hơn thì bệnh nhân mới phát hiện ra bệnh. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và có tiền sử gia đình mắc bệnh nên chú ý đến các triệu chứng kể trên hoặc khám tổng quát định kỳ để sàng lọc bệnh.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung cũng là một dạng “ung thư thầm lặng”, đe dọa sức khỏe chị em phụ nữ. Khi mắc khối u, bệnh nhân thường có triệu chứng như khí hư có mùi, chảy máu âm đạo, đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục, đi tiểu đau, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, sụt cân và mệt mỏi. Vì các triệu chứng này giống với các loại bệnh phụ khoa nên chúng dễ bị bỏ qua. Ngoài ra, bệnh nhân có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nếu khối u thuộc cấp độ thấp. Một điều may mắn là ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm nên khi các triệu chứng kể trên kéo dài hơn hai tuần, người bệnh nên nghĩ đến việc tầm soát ung thư để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thêm vào đó, phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục và chưa tiêm vắc xin HPV cũng cần khám sàng lọc và theo dõi thường xuyên.
Ung thư đại tràng
Gần một nửa số bệnh nhân ung thư đại tràng, hay còn gọi là ung thư ruột kết, sẽ không có triệu chứng lúc đầu vì nó phát triển từ polyp (sự phát triển mô bất thường). Nếu có dấu hiệu, chúng thường là thói quen đại tiện thay đổi, chảy máu trực tràng, có máu trong phân, đau và chướng bụng, buồn nôn, mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân. Các dấu hiệu ung thư ruột kết thường dai dẳng và không biến mất khi dùng thuốc nên nếu chúng kéo dài trong hơn 2 tuần, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được kiểm tra chính xác. Bên cạnh đó, nếu bạn là người béo phì, thường hút thuốc, uống rượu, có tiền sử gia đình mắc polyp và thuộc nhóm người tuổi đã cao, hãy thực hiện sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Ung thư vú
Theo nhiều chuyên gia y tế, ngay cả khi đã đến gặp bác sĩ tư vấn, bạn cũng khó có thể phát hiện ung thư vú. Một trong những dấu hiệu của ung thư vú là các cục u trong vú hoặc dưới nách, nhưng không phải cục u nào được tìm thấy cũng là ung thư nên điều này sẽ khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua dấu hiệu bệnh. Ngoài ra, ung thư vú còn có các dấu hiệu khác như thay đổi kích thước vú, núm vú bị thụt vào, da ngực bị đỏ, kích ứng hoặc lõm, tiết dịch vú, đau cơ vú, mệt mỏi hoặc sụt cân. Khi có bất kỳ dầu hiệu nào trong số này, đừng chủ quan mà hãy thực hiện khám sàng lọc để phát hiện sớm và kịp thời chữa trị. Cùng với đó, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, tiền sử cá nhân bị ung thư buồng trứng hoặc đã sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời gian dài phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và lựa chọn khám thường niên để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy được coi là một trong những loại ung thư khó phát hiện sớm nhất vì các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi ung thư đã bước vào giai đoạn tiến triển. Ngoài ra, vị trí của tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng nên cũng không dễ dàng cảm nhận hoặc phát hiện những bất thường trong các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những những người hút thuốc và những người mắc các chứng rối loạn di truyền hiếm gặp nên khám sàng lọc căn bệnh này. Ngoài ra, những người đang có các dấu hiệu thông thường như đau bụng, vàng da, sụt cân, mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, đau lưng hoặc bị tiểu đường giai đoạn đầu cũng nên thực hiện các kiểm tra liên quan đến tuyến tuỵ.
Ung thư phổi
Ung thư phổi thường có các triệu chứng như ho dai dẳng, khàn giọng, hụt hơi, tức ngực, ho ra máu, đau xương, đau đầu, sụt cân. Trong giai đoạn đầu của ung thư phổi, các triệu chứng này thường bị chẩn đoán nhầm là viêm phế quản hoặc hen suyễn. Do vậy, khi có các triệu chứng này, bạn cũng cần phải thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện bệnh kịp thời. Ngoài ra, những người có tiền sử hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá và hóa chất không an toàn cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn, vì vậy cũng cần chú ý khám sức khoẻ thường xuyên hơn.