Site stats Top 6 nữ doanh nhân giàu có và thành công nhất Việt Nam – Limelight Media

Top 6 nữ doanh nhân giàu có và thành công nhất Việt Nam

Bản lĩnh, nhanh nhạy trong kinh doanh, những người phụ nữ này đã trở thành những CEO, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của những công ty lớn tại Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã được công nhận là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực Châu Á. 

Nguyễn Thị Phương Thảo (1970)

Nguyễn Thị Phương Thảo – nữ “tổng tài” của hãng hàng không Vietjet luôn là cái tên nổi bật trên thương trường bởi tài năng và khối tài sản của bà. Hồi tháng 7/2021, bà đã trở thành nữ CEO duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách các tỷ phú đô la Mỹ của Forbes. Được biết, khối tài sản của bà được ước tính lên đến 2,4 tỷ USD, xếp thứ 1111/2755 tỷ phú đô la Mỹ trên thế giới. Ngoài ra, bà còn là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với khối tài sản ước tính tại thời điểm tháng 3/2021 là 29.211 tỷ đồng, nằm trong top 3.

Ngay từ khi còn là sinh viên đại học ở nước ngoài, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh và kiếm được một triệu USD đầu tiên ở tuổi 21. Sau khi hoàn thành việc học tập ở nước ngoài, bà Thảo về nước lập nghiệp. Thương hiệu Vietjet Air được ra mắt hồi năm 2011 do bà Phương Thảo làm CEO đã trở thành hãng hàng không giá rẻ danh tiếng ở Việt Nam. Bà Phương Thảo cũng đang nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank. 

Mai Kiều Liên (1953)

Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc thương hiệu sữa quốc gia Vinamilk, trưởng thành từ vị trí nhân viên của công ty. Ở tuổi 39 (1992), Bà Liên được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinamilk. Sau 30 năm, bà đã viết tên Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu sữa thế giới, giúp Vinamilk trở thành 1 trong 50 công ty sản xuất sữa lớn nhất hành tinh. 

Theo một thống kê hồi năm 2020, bà Mai Kiều Liên đang nắm giữ 5.333.704 cổ phiếu công ty trong khi công ty của bà được Forbes Việt Nam định giá hơn 2,4 tỷ USD, tương đương 55.000 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Vinamilk có giá trị vốn hóa hơn 180 ngàn tỷ đồng, lọt top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Với tài năng và sự quyết đoán của mình, bà Mai Kiều Liên nhiều lần được Forbes vinh danh trong top nữ doanh nhân quyền lực của Châu Á. Bà cũng từng được Nikkei Châu Á vinh danh vì những đóng góp có giá trị bền vững cho nền kinh tế khu vực. 

Thái Hương (1958)

Từ quyết định táo bạo khi đầu tư vào ngành sữa ở thời điểm Vinamilk đang “thống trị” thị trường sữa nội, bà Thái Hương, bà chủ quyền lực của TH True Milk đã khẳng định tư duy chiến lược của mình khi TH True Milk có được vị trí đáng mơ ước hiện tại. Năm 2008, sau khi kinh qua nhiều chức vụ và công việc khác nhau, bà Thái Hương bẻ lái sang ngành sữa và đánh dấu bằng việc ra mắt thương hiệu TH Milk vào năm 2010. Dù là “tấm chiếu mới” trên thị trường sữa, song TH True Milk đã nhanh chóng trở thành thương hiệu có sức ảnh hưởng, chiếm 40% thị trường tại Việt Nam. 

Bên cạnh vai trò Chủ tịch HĐQT công ty Sữa TH, bà Thái Hương còn là Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á. Bà từng liên tiếp 2 năm liền lọt top 50 doanh nhân nữ quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn, đồng thời được World Knowledge Forum vinh danh là người có công trong việc phát triển thị trường sữa sạch cao cấp. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 4,295% cổ phần đang sở hữu ở Bắc Á, bà Thái Hương là 1 trong 150 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. 

Nguyễn Bạch Điệp (1972) 

Xuất thân là một nhân viên thực tập kinh doanh tại một cửa hàng của FPT, Nguyễn Bạch Điệp đã trở thành Trưởng cửa hàng và sau đó trở thành Tổng giám đốc của FPT Retail. Sau hơn 8 năm xây dựng và phát triển, FPT Retail đã phát triển chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu với hơn 500 cửa hàng khắp cả nước bên cạnh hệ thống bán lẻ điện thoại đứng thứ 2 trên thị trường Việt Nam. Trong năm 2018, doanh thu của công ty đạt khoảng 16.000 tỷ đồng với khảng 348 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 

Để có được thành công của FPT Retail, Nguyễn Bạch Điệp đã trải qua không ít thăng trầm và chịu rất nhiều áp lực. Ở buổi đầu thành lập, Bạch Điệp phải giải quyết các vấn đề về nhân sự nhằm thu hút và giữ chân nhân viên giỏi, khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm địa điểm cho các cửa hàng bán lẻ cũng là vấn đề then chốt cho sự thành công của FPT Retail. Chính vì vậy, Bạch Điệp luôn “lên đồng” khi bắt tay vào công việc, sẵn sàng đi hết 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mỗi tuần để chọn địa điểm cửa hàng, luôn đòi hỏi cao ở bản thân để hoàn thành tốt công việc. Với những đóng góp to lớn cho FPT Retail, Nguyễn Bạch Điệp đã khẳng định vai trò “nữ tướng” của mình. Bà được Forbes bình chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam (2019) và Châu Á (2020). 

Cao Thị Ngọc Dung (1957)

Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “Nữ tướng vàng bạc đá quý” của Việt Nam. Bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Từng bị mắc bệnh ung thư, lại có chồng rơi vào vòng lao lý trong thời gian điều hành tại ngân hàng Đông Á nhưng bà Ngọc Dung vẫn có thể giữ được “cái đầu lạnh” và thái độ lạc quan để đưa PNJ trở thành chuỗi cửa hàng nữ trang phủ sóng khắp Việt Nam, thậm chí còn vươn ra các châu lục khác. Ngoài PNJ, bà còn đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Đông Á.

Theo một thống kê hồi năm 2019, bà Ngọc Dung đứng thứ 14/200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản ước tính hơn 2.200 tỷ đồng. JNA Awards từng vinh danh cá nhân bà Cao Thị Ngọc Dung với giải thưởng “Thành tựu trọn đời” và PNJ với giải nhà bán lẻ số 1 của ngành kim hoàn châu Á. Bà cũng nhiều lần lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á do Forbes bình chọn. 

Trần Thị Lệ

Xuất thân là bác sĩ dinh dưỡng, Trần Thị Lệ đã trở thành CEO của NutiFood vào năm 2000.  Bà đã đưa NutiFood thành một trong những công ty sữa đặc trị có tiếng ở Việt Nam với doanh thu tăng hơn 2.5 lần mỗi năm. Tuy vậy, do NutiFood thực hiện tái cấu trúc vào năm 2007, bà rời Nutifood. Tuy vậy, khoảng một năm sau (2008) khi NitiFood đối mặt với sự khủng hoảng nghiêm trọng, thua lỗ liên tiếp (lỗ 147 tỷ đồng), hàng tồn kho chồng chất, người lao động chờ nghỉ việc, thiếu hụt tiền mặt, Trần Thị Lệ đã quay trở lại. Bà đã sắp xếp lại nhân sự, tích cực tìm nhà phân phối khắp cả nước, thay đổi chính sách lương thưởng, v.v. Dưới sự lãnh đạo của bà, NutiFood đã dần vượt qua khủng hoảng. Công ty đã chính thức hòa vốn kể từ tháng thứ 3.

Kể từ đó, NutiFood đã định vị lại hình ảnh thành công và trở thành một trong những thương hiệu sữa đặc trị của Việt Nam được thế giới biết đến. Trần Thị Lệ đã được Forbes công nhân là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam (2017) và Châu Á (2019). 

Advertisements